Các chuyên gia về an toàn cháy nổ xăng dầu cho hay, khi bật điện thoại lúc có cuộc gọi, sẽ gây ra hiện tượng đoản mạch, tạo ra tia lửa điện. Nếu không may, xung quanh chỗ người sử dụng có nồng độ xăng dầu cao thì sẽ kết hợp với tia lửa điện từ điện thoại gây ra cháy.
Kể từ ngày 5/8, hành vi sử dụng điện thoại di động tại khu vực bị cấm phải chịu phạt từ 2 đến 5 triệu đồng. Đây là quy định tại Nghị định 52/2012/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy.
Đại diện Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an) cho biết, quy định cấm sử dụng điện thoại di động tại các kho xăng, dầu, các điểm bán lẻ đã được các tổ chức, tập đoàn dầu lửa trên thế giới quy định trong mọi hoạt động của họ.
Tại Việt Nam, từ năm 2006, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex- lúc đó còn là Tổng Công ty Petrolimex) đã xuất bản hướng dẫn an toàn phòng cháy, chữa cháy xăng dầu trong toàn hệ thống, nêu rõ cấm sử dụng điện thoại di động tại các kho xăng, dầu, trạm bán lẻ.
Cũng từ năm 2006, Petrolimex là doanh nghiệp xăng dầu đầu tiên dán nhãn cấm sử dụng điện thoại di động tại các trạm xăng dầu, bán lẻ trên khắp cả nước. Đến nay, các điểm bán lẻ của các đầu mối nhập khẩu xăng dầu ở nước ta đều đã dán nhãn cấm sử dụng điện thoại trong lúc bơm xăng.
Hiện, trên thế giới và ở trong nước chưa có nghiên cứu nào chứng minh đầy đủ việc sử dụng điện thoại di động tại khu vực chứa nhiều xăng, dầu sẽ gây cháy. Tuy nhiên vừa qua đã có một số tai nạn có thể liên quan đến điều này.
Trên thị trường Việt Nam, thiết bị điện thoại lậu, không chính hãng là rất nhiều, do đó nhiều khi không đảm bảo an toàn về mạch và pin. Cùng với đó là một số tính năng mở rộng của điện thoại liên quan đến đèn flash cũng gây ra cháy khi tiếp xúc với khu vực có nồng độ xăng, dầu lớn. Do vậy, cùng với các khuyến cáo của các chuyên gia, việc đưa quy định xử phạt hành vi này vào một Nghị định của Chính phủ nhằm tăng cường đảm bảo an toàn tối đa những nguy cơ cháy có thể xảy ra.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét